Trang Thời Sự


Suy Nghĩ Về Bài Viết Của Mặc Giao:
Bốn Mươi Năm Sau Còn Cãi Nhau Về Một Cái Tên

Tác giả: Hữu Nguyên
Thể loại: Thời Sự

Lời Tòa Soạn: Thời gian qua, cộng đồng người Việt Quốc Gia ở hải ngoại bàn tán và tranh luận về dự luật S-219 do thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình lên quốc hội Canada. Dự luật được Thượng Viện thông qua và chuyển qua Hạ Viện phê chuẩn. Hôm nay, DĐNGVNSA nhận được bài viết của nhà báo, nhà văn Hữu Nguyên với nhan đề: Suy Nghĩ Về Bài Viết: Bốn Mươi Năm Sau Còn Cải Nhau Về Một Cái Tên của tác giả Mặc Giao. Bài viết của nhà văn Hữu Nguyên phân tích dựa trên yếu tố khách quan và sự kiện trung thực của lịch sử. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả của ĐDNGVNSA xem qua và nhận định..

BBT/ĐDNGVNSA

      Chủ Nhật 22.3.2015, trên diễn đàn mạng xuất hiện bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tên” của tác giả Mặc Giao, “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975” (như phần cuối bài ghi). Bài viết của ông có nhiều nhận định đáng cho người đọc suy nghĩ, nhưng cũng có vài điểm muốn trao đổi, nên chúng tôi viết bài này.
** Mở đầu, ông Mặc Giao viết: “Miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản cách đây 40 năm. Phe thắng cuộc gọi ngày 30 tháng Tư là ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam. Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen… Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”.
** Chúng tôi nghĩ: Nhận xét đơn giản trên đây đáng lẽ chỉ có đối với người ngoại quốc không am tường cuộc chiến tranh VN. Với ông MG, một người “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, đáng lẽ, ông phải thấy 30.4 là ngày Quốc Hận chung của cả nước. Nếu ngày 30.4.75, Dương Thu Hương, nữ đảng viên thanh niên xung phong mới ở tuổi 28, đã có thể thức tỉnh rồi khóc trong uất hận khi CS chiếm được Miền Nam, thì tại sao cho đến nay, một người hiểu biết lại ở trong cương vị lãnh đạo quốc gia như ông MG, vẫn khăng khăng cho rằng, chỉ có phe thua cuộc gọi 30.4 là Ngày Quốc Hận? VC phi nghĩa nhưng đủ thủ đoạn và mưu mô để gọi 30.4 là “ngày chiến thắng của cả dân tộc VN”, thì tại sao, những người Việt yêu nước và có chính nghĩa như ông MG lại không đủ sáng suốt để thấy rõ 30.4 là Ngày Quốc Hận chung của cả nước? Thực tế, trong suốt 40 năm qua, trước không biết bao nhiêu thảm kịch đầy máu và nước mắt, do VC gây ra, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, cùng với tội VC phản bội tổi quốc, bán đất bán biển cho Tàu cộng, ngay cả những người VC với nửa thế kỷ tuổi đảng, cũng đau đớn bừng tỉnh nhận ra, 30.4.75 là ngày cả dân tộc VN cùng bị VC đẩy “xuống hầm tai vạ”. Vậy mà ông MG, được lớn lên và được đào tạo trong xã hội tự do dân chủ của Miền Nam suốt mấy chục năm, đã từng là “dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, lại được sống suốt mấy chục năm ở một quốc gia tự do và văn minh bậc nhất thế giới, ông vẫn khư khư ôm ấp một định kiến đầy phiến diện và sai lầm: 30.4 là Ngày Quốc Hận của phe thua cuộc! Đã vậy, ông MG còn viết: “Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai.”
     Chúng tôi đồng ý, trên phương diện pháp lý, cộng đồng người Việt hải ngoại 4 triệu người, không có chính phủ, không có luật pháp, thì chẳng ai có thể áp đặt được ai. Nhưng trên phương diện lương tâm, tuỳ theo hoàn cảnh, tuổi tác, sự hiểu biết... mỗi người Việt tỵ nạn CS đều thấy mình ít nhiều có trách nhiệm khi mất nước và trước những đau thương của quê hương. Khi ra hải ngoại, dù không ai áp đặt ai, mỗi người Việt tỵ nạn CS đều thấy mình có bổn phận bảo vệ quốc kỳ quốc ca VNCH, cùng những ngày truyền thống của dân tộc, trong đó có Ngày Quốc Hận 30.4.
     Hơn nữa, dù không có khả năng áp đặt và chế tài, nhưng thực tế, trách nhiệm lương tâm là luật bất thành văn, có sức mạnh gấp bội so với luật pháp quốc gia, đúng như bác học Albert Einstein đã nói: “Never do anything against conscience, even if the state demands it”. Chính nhờ có trách nhiệm lương tâm đó, nên suốt 40 năm qua, người Việt yêu nước hải ngoại đã TỰ NGUYỆN làm không biết bao nhiêu việc, trong đó có biểu tình chống VC, bảo vệ và vinh danh quốc kỳ VNCH, tưởng niệm Quốc Hận 30.4, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, Kỷ Niệm Ngày QLVNCH 19.6,... cũng như gửi hàng trăm tỷ đô la về giúp thân nhân tại quê nhà.
Trong cảnh nước mất nhà tan, phải lưu lạc xứ người, người Việt hải ngoại chỉ còn biết trông mong vào tiếng gọi lương tâm và tinh thần trách nhiệm, TỰ NGUYỆN của những người hiểu biết, nhất là những người từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ, quân lực VNCH. Rất tiếc, khi viết, “Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”, ông MG, “dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, đã không xứng đáng với sự kỳ vọng này.
** Ông MG viết: “Riêng tôi, tôi không bênh cũng không chống dự luật này. Tôi không ba phải đâu, nhưng thấy dự luật này nếu có thành luật Canada cũng chẳng cứu được Việt Nam khỏi tay cộng sản. Mặt khác, nó cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta khi không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen.”
** Chúng tôi nghĩ: Đánh giá một dự luật trên căn bản, dự luật đó có “cứu VN khỏi tay cộng sản” hay không, quả là không hợp tình hợp lý. Đánh giá như vậy, sẽ làm nản lòng tất cả mọi nỗ lực đấu tranh giành tự do dân chủ cho quê hương VN của người Việt cũng như người bản xứ. Chắc chắn ông MG cũng đồng ý, “a journey of a thousand miles begins with a single step”. Đồng ý như vậy, ông phải thừa nhận, mỗi việc chúng ta làm với tinh thần của một người Việt yêu nước, dù là nhỏ nhặt và tầm thường đến đâu, cũng đều góp phần nhỏ bé vào việc sói mòn và lật đổ chế độ CS.
Trong niềm tin đó, chúng tôi không đồng ý khi ông MG viết: [không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen] “cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta”. Nếu điều ông MG viết là đúng, tại sao ông  Ngô Thanh Hải phải thừa nhận, “thủ tướng và chính phủ [Canada] cho rằng dùng chữ “black” nó hơi nhạy cảm”? Và tại sao VC lại điên cuồng chống đối Dự Luật S-219? Trong khi VC điên cuồng chống đối Dự Luật, chính giới Canada phải nhân nhượng chấp nhận bỏ chữ “black” trong Dự Luật vì “nó hơi nhạy cảm”, thì ông MG lại ung dung tự hào chọn thái độ “không bênh cũng không chống” Dự Luật. Ông cho thái độ đó “không ba phải”. Tôi đồng ý với ông, nhưng chúng tôi tin rằng thái độ đó còn nguy hại hơn cả “ba phải”.
** Ông MG viết: “ông Hải và cả chính phủ lẫn quốc hội Canada đâu có quyền bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Ngược lại, chúng ta cũng không thể bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen theo ý chúng ta”.
** Chúng tôi nghĩ: Tất cả những người ĐỨNG ĐẮN tranh luận về Dự Luật S-219, không một ai có ý nghĩ: “bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen”. Và cũng không một người đứng đắn nào cáo buộc: “cả chính phủ lẫn quốc hội Canada [đâu có quyền] bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do”. Đồng ý, trong cuộc tranh luận, có một vài cá nhân, vì lý do hoặc lý do khác, đã dùng những ngôn từ thiếu đứng đắn hoặc có những luận điệu xuyên tạc sự thật như ông MG viện dẫn. Nhưng trong một cuộc tranh luận đứng đắn, một người hiểu biết và đáng kính như ông MG, không nên dùng những luận điệu xuyên tạc sự thật, để hậu thuẫn cho quan điểm sai lệch của ông.
** Ông MG viết: “Những người chống dự luật S – 219 đầu tiên là cộng sản”. “Một lá thư có 22 chữ ký của một số người Việt sống ở Canada được gửi đến Hạ Viện để yêu cầu viện này bác bỏ dự luật được Thượng Viện chuyển đến. Trong số những người ký, một phần ba là những cựu sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học trước 1975 nhưng đã tham gia hội sinh viên, Việt kiều yêu nước chống chính thể VNCH, ủng hộ Việt Cộng”. “Oái oăm thay, trong khi cộng sản sợ dự luật thì lại có một số người Việt chống cộng ở hải ngoại tẩy chay dự luật và mạt sát người khởi xướng dự luật là ông Ngô Thanh Hải một cách rất thậm tệ”.
** Chúng tôi nghĩ: Chỉ căn cứ vào việc VC chống đối Dự Luật, rồi quay ra hậu thuẫn Dự Luật, thì quả là vội vã. Trong chính trị cũng như ngoại giao, nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy. Hơn nữa, VC có những nhu cầu riêng để chống đối Dự Luật. Người Việt yêu nước cũng có những nhu cầu riêng để hậu thuẫn Dự Luật nếu Dự Luật không chọn ngày Quốc Hận 30.4 làm ngày vui mừng “Hành Trình Tìm Tự Do”.
Ông MG phải thừa nhận có mấy sự thật quan trọng sau. Sự thực thứ nhất, tất cả những người Việt yêu tự do dù ở Canada hay bất cứ nơi đâu trên thế giới, đều hậu thuẫn Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do. Sự thực thứ hai, mọi người đều đồng ý, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do phải là ngày vui mừng của mọi người Việt tại Canada. Sự thực thứ ba,  mọi người Việt yêu nước (bao gồm cả ông Ngô Thanh Hải) đều đồng ý, Ngày Quốc Hận 30.4 là ngày ĐẠI TANG của cả dân tộc VN. Và đó chính là lý do, trong Dự Luật S-219, khởi thuỷ ông NTH đã chọn 30.4 là Ngày Tháng Tư Đen.  Sự thực thứ tư, mọi người Việt yêu nước hoan nghênh Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do với ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT VÀ DUY NHẤT: KHÔNG LẤY NGÀY ĐẠI TANG QUỐC HẬN 30.4 LÀM NGÀY VUI MỪNG HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO.
    Toàn bộ bốn sự thật trên đây rất rõ ràng và dễ hiểu. Vậy mà không hiểu sao, ông MG, ông NTH và một số người khác, cứ nhất định cho rằng, người Việt chống Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do??? Phải chăng đây là sự nhầm lẫn ngây thơ, hay bất lương trí thức hay thủ đoạn né tránh chính trị? Sự nhầm lẫn ngây thơ và vô lý của quý vị, cũng giống như cô con gái, xin làm đám cưới đúng vào ngày Đại Tang của gia đình. Cha mẹ không đồng ý, bảo con gái chọn một ngày khác. Cô con gái một mực không chịu chọn ngày khác, rồi khăng khăng bảo cha mẹ độc ác, không cho con gái làm đám cưới!
Ông MG và ông NTH  phải đồng ý, trong suốt 40 năm qua, trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi tổ chức tiệc tùng gây quỹ, ăn mừng, ca hát, dạ vũ, dạ tiệc,.... người Việt hải ngoại đều tránh không trùng vào ngày Quốc Hận 30.4, thậm chí còn tránh cả tháng 4. Những người Việt bình thường còn biết hành xử xứng đáng với lương tâm của người Việt yêu nước như vậy, tại sao TNS Ngô Thanh Hải lại chọn ngày Đại Tang của cả dân tộc 80 triệu người, làm ngày ăn mừng “Hành Trình Tìm Tự Do” của vài trăm ngàn người? Tại sao ông MG, “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”,  lại có thể viết: “Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen… Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”.

Hữu Nguyên
huunguyen@saigontimes.org